MỘT SỐ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG BÊN NGOÀI LỚP HỌC Ở TRƯỜNG MẦM NON 1-6

Như chúng ta đã biết, môi trường là khuôn viên hoạt động ngoài trời, là không gian sống của con người và các loài sinh vật. Hằng ngày chúng ta đều cần một không gian xanh để sinh hoạt, học tập và vui chơi. Như vậy, cần phải tạo một môi trường bên ngoài thật sự xanh, mát, ngăn nắp, gọn gàng, không gian thật sự thích hợp cho mỗi con người và mỗi trẻ em.

Môi trường hoạt động ngoài trời vô cùng quan trọng với trẻ mầm non vì nó mang lại không khí trong lành, làm thỏa mãn nhu cầu vận động của trẻ, khám phá khoa học về thế giới tự nhiên phong phú về cỏ, cây, hoa lá, đất, nước, cát, sỏi…giúp trẻ phát triển khả năng khám phá, tìm tòi, từ đó hình thành nhân cách toàn diện của trẻ. Môi trường bên ngoài giúp trẻ có điều kiện vui chơi tập thể cùng các bạn trong trường, hoạt động nhóm và hoạt động cá nhân.

  1. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
  2. Thuận lợi

Trường Mầm non 1-6 tọa lạc tại trung tâm Thị trấn Sa Rài của huyện Tân Hồng, diện tích nhà trường tương đối rộng nên việc trang trí mội trường bên ngoài cũng được CBQL và giáo viên quan tâm đặt lên hàng đầu.

Vì vậy, xây dựng môi trường bên ngoài lớp học là tạo khuôn viên xanh -sạch – đẹp để trẻ được vui chơi và hoạt động, khám phá môi trường xung quanh. Từ đó, giúp trẻ khả năng khám phá, tìm tòi, phát triển kỹ năng vận động, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của trẻ…

Trường bao gồm 10 nhóm lớp với 245 trẻ, trong đó:

+ Nhóm trẻ: 02

+ Lớp mẫu giáo: 08

Đội ngũ CBQL và GV luôn nhiệt tình, năng động. Đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và Phòng GDĐT, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân và quý phụ huynh.

* Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi đó, việc xây dựng môi trường bên ngoài còn gặp những hạn chế như sau:

– Khuôn viên nhà trường khá rộng, nên việc trang trí hình ảnh theo từng khu vực chưa được nhiều.

– Vùng đất không giàu dinh dưỡng nên việc trồng rau sạch và hoa kiểng cho trẻ trải nghiệm phát triển không tốt.

– Nhà trường còn thiếu mái che ở một vài khu vực nên chưa thuận lợi cho trẻ chơi ở ngoài sân.

– Một số đồ vật, dây trang trí dễ bị hư hỏng vì trang trí treo bên ngoài, không bền màu với ánh nắng gay gắt.

      Một số giải pháp thực hiện trong việc xây dựng môi trường

Giải pháp 1: Xây dựng kế hoạch thực hiện

Hằng năm, CBQL xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng môi trường bên ngoài: Dự kiến các các khu vực cần thực hiện trang trí, tận dụng các nguyên vật liệu địa phương, dự kiến kinh phí mua sắm thêm một số nguyên vật liệu cần trang trí, và thời gian thực hiện.

Khi lập kế hoạch, tôi chú ý xây dựng theo hướng mở để kích thích sự tìm tòi, khám phá của trẻ. Có bảng phân công cụ thể từng nhóm giáo viên, nhân viên trong việc thực hiện, phân công tổ trưởng từng nhóm nhỏ, tổ trưởng nêu ý tưởng, tạo mẫu, trao đổi cùng CBQL, nhận nguyên vật liệu và cùng thực hiện, khi thực hiện xong, báo cáo CBQL và có bổ sung sau phần góp ý.

Giải pháp 2: Khéo léo, sáng tạo trong việc quy hoạch khuôn viên

Để khuôn viên được hợp lý, thẩm mỹ, trẻ dễ hoạt động, cần chú ý trong việc quy hoạch ngay từ ban đầu.

Thiết kế, hoàn chỉnh bản vẽ sao cho phù hợp với điều kiện thực tế khuôn viên nhà trường, phù hợp với hoạt động của trẻ. Cùng trao đổi bàn bạc nên trồng các loại cây hoa kiểng gì, có độ bền hay không, dễ chăm sóc hay không, mà lại ít tốn kém kinh phí.

Thiết kế vườn rau sạch cần chia thành nhiều luống, xây gạch phân cách từng luống, mua thêm các loại đất dinh dưỡng bổ sung vào. Tận dụng sự hỗ trợ rơm và hạt giống từ phía phụ huynh để tạo nên những luống rau xanh tốt. Mỗi luống rau đều có bản tên của các lốp Chồi, và Lá. Cứ 3-4 ngày, cho trẻ cùng cô quan sát sự phát triển của các loại rau sau quá trình gieo hạt, trẻ lớp Lá hổ trợ cô giáo tưới rau, tưới hoa… Riêng trẻ lớp Mầm thì sẽ cho trẻ hoạt động bằng cách nhặt lá rụng ở vườn hoa.

Quy hoạch khu vực cho trẻ chơi với cát và nước. Nhà trường chuẩn bị sẵn các loại dụng cụ cho trẻ chơi với cát và nước để trẻ trải nghiệm những lúc hoạt động ngoài trời. Khu vực này bố trí gần vườn hoa, đủ cát cho trẻ chơi. Thiết kế hế thống nước chảy từ các loại chai nước ngọt và các ống nước chảy từ trên xuống, hoặc cho trẻ pha màu nước, hoặc cho trẻ chơi câu cá (cá bằng nhựạ)

Thiết kế khu vực làm đẹp như: cắt tóc, tết tóc, uốn tóc, gội đầu thử giãn, massa mặt, làm nail….có thể tận dụng góc cầu thang để thiết kế cho trẻ.

Tận dụng một góc sân của nhà trường, gần cổng ra vào, thiết kế nhà chòi từ các nguyện liệu tre, lá để thực hiện Góc địa phương, trưng bày một số đồ dùng của địa phương ngày xưa như: Chiếc cối xay bột xưa, cái lu đựng nước ngày xưa, một số dụng cụ bằng tre nứa ngày xưa (rổ tre, cái xề, cái nom bắt cá, đũa tre, giỏ xách đi chợ đan bằng lát….) để trẻ được trải nghiệm.

Ngoài ra, tập thể giáo viên còn tìm tòi một số mẫu đẹp trên mạng internet để cắt thành những hình ảnh ngộ nghĩnh, sinh động, nguyện liệu chính từ vải nỉ, tấm phom, sau đó sơn màu để treo từng lối đi, tạo cảnh quang sư phạm nhiều màu sắc và thu hút trẻ đến trường.

Giải pháp 3. Thành lập ban chỉ đạo xây dựng cảnh quang khuôn viên môi trường bên ngoài lớp học

Để hoàn thành công việc gì đầu tiên là sức mạnh đoàn kết nội bộ trong tập thể. Vì thế, tôi tham mưu với Hiệu trưởng cần trao đổi chi tiết, cụ thể, đi đến thống nhất hoàn toàn.

Làm sao cho CB-GV-NV trong nhà trường hiểu về việc xây dựng khuôn viên nhà trường là việc làm cần thiết, hiểu về cái đẹp, nhu cầu về cái đẹp, khai thác cái đẹp phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý trẻ em. Để làm được điều này, chúng tôi tổ chức họp gồm Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, các tổ trưởng chuyên môn, tổ văn phòng…để triển khai kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ xây dựng khuôn viên môi trường, tạo cảnh quang sư phạm trong xuyên suốt năm học.

Sau khi bàn bạc thống nhất, chúng tôi dự kiến các khu vực cần thiết kế, dự trù kinh phí, phân công nhiệm vụ cụ thể từng nhóm.

Tôi cùng với Hiệu trưởng tiếp nhận các nguồn XHH của các mạnh thường quân như: đất dinh dưỡng, hạt giống, cây kiểng, cát, đá, sỏi….và các hiện vật hoặc kinh phí khác.

Công đoàn, đoàn thanh niên liên hệ với một số dân quân của thị trấn hỗ trợ vận chuyển đất, cát, sỏi khi cần.

Các tổ trưởng cùng phát động giáo viên và phụ huynh sưu tầm các loại cây, hoa kiểng để trồng và các biểu mẫu để cùng thực hiện.

CBQL thường xuyên theo dõi, giám sát các nhóm, có cần gì thì hỗ trợ ngay, và điều chỉnh cho hợp lý.

Giải pháp 4. Huy động các nguồn lực, tham mưu, đẩy mạnh công tác XHHGD

Phải có sự kết hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường, các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân và phụ huynh. Ngoài việc tham mưu với lãnh đạo địa phương, nhà trường còn quan tâm đến lực lượng nòng cốt như: Hội trưởng hội phụ huynh của trường, quý phụ huynh của các lớp đã giúp chúng tôi trong việc kêu gọi mọi người đóng góp công sức, hiện vật, tặng hoa, tặng cây cảnh cho nhà trường. Ngoài ra, quý phụ huynh còn đóng góp các nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương, các nguyên vật liệu như chai lọ…để làm thêm một số đồ chơi cho trẻ ở các góc.

Giải pháp 5. Thực hiện giám sát, chỉ đạo kế hoạch xây dựng môi trường bên ngoài

Muốn hoàn thành công việc xây dựng môi trường bên ngoài cần phải có công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Cần xem tiến độ thực hiện có kịp với lộ trình kế hoạch hay không, sự nhiệt tình của các thành viên trong tổ như thế nào. Nếu các thành viên chưa nhiệt tình, tổ trưởng cần đôn đốc, nhắc nhở để nhóm mình hoàn thành công việc một cách tích cực và có báo cáo về Hiệu trưởng.

Qua những giải pháp như thế, trường Mầm non 1-6 đã dần dần xây dựng khuôn viên nhà trường ngày một khang trang hơn. Chúng tôi đã xây dựng được khu vực trang trí sự kiện trong nhà trường (Giáng sinh, Tết, Trung thu…), xây dựng nhà chòi để làm góc sản phẩm của địa phương, khu vực cho trẻ chơi với cát và nước, khu vực cho trẻ vận động, đá bóng vào khung thành, ném bóng vào rổ, đang duy trì sữa chữa vườn rau, vườn hoa của bé và tiến hành thực hiện khu vực cho trẻ trải nghiệm dịch vụ làm đẹp, dự kiến xây dựng khu vực chợ quê cho trẻ trải nghiệm và đang chuẩn bị công tác trang trí môi trường đón Tết nguyên đán 2024.

Tác giả: Trương Kim Cúc